Nguồn gốc và lịch sử Đế_quốc

Bài chi tiết: Chủ nghĩa đế quốc

Mục đích cơ bản của đế quốc và các cuộc chiến tranh chinh phục liên quan mở rộng phạm vi lãnh thổ, chiếm hữu của cải và tài nguyên, chiếm hữu nô lệ, duy trì hoạt động thương mại, trong đó bao gồm độc quyền thương mại, truyền giáo hoặc duy trì hệ thống trưng thu thuế và triều cống lên nhiều nước. Không chỉ chiếm dụng mà còn duy trì lâu dài việc chiếm dụng đó để phục vụ và duy trì sự thịnh vượng của đế quốc.

Mục đích riêng mỗi đế quốc trong quá trình bành trướng có thể khác nhau đôi chút từ mục đích cơ bản, do các điều kiện kinh tế-xã hội và lịch sử khác nhau.

Các đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha mở rộng đế quốc xuất phát từ nhu cầu truyền đạo Công giáo. Trong bối cảnh nổi lên của Đế quốc Ottoman đã chiếm con đường sang phương Đông, mở rộng Hồi giáo và các cuộc tấn công lấn sâu vào châu Âu đang diễn ra trên vùng Balkan. Sứ mệnh truyền đạo Công giáo để cạnh tranh trở thành nhu cầu bức thiết. Bên cạnh đó, người Bồ Đào Nha, mà sau đó là Hà Lan đặc biệt chú trọng thương mại vì nhu cầu thịnh vượng, củng cố mạnh mẽ quốc gia trước các cường quốc ở châu Âu. Bồ Đào Nha do đất nước nhỏ bé và dân số ít hơn các nước châu Âu không cho phép họ khả năng lấn sâu vào châu Âu, buộc họ bành trướng hải ngoại, chiếm lấy những vùng đất lạc hậu mà khả năng quân sự và công nghệ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ có thể cho phép họ dễ dàng thực hiện hơn so với ở châu Âu. Còn trường hợp Hà Lan, họ được thôi thúc bởi nhu cầu củng cố thịnh vượng, là nhu cầu đảm bảo cho cuộc chiến tranh dài nhiều thập niên chống Tây Ban Nha để giành độc lập ở miền Bắc và sau đó là các tỉnh miền Nam.

Nước Pháp từ thế kỷ 17 đã đẩy mạnh bành trướng thuộc địa hải ngoại bởi nhu cầu xây dựng quyền lực và sự thịnh vượng khắp các lục địa, qua đó, thúc đẩy vinh quang và uy tín chính trị của triều đại Bourbon ở châu Âu.

Vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, theo cách lý giải của các nhà sử học Marxist, mở rộng của đế quốc liên quan đến chủ nghĩa thực dân, với động cơ kinh tế rõ ràng hơn, trong giai đoạn phát triển tột cùng của chủ nghĩa tư bản, các lý do của bành trướng đế quốc chủ yếu từ:

  • Thị trường.
  • Tài nguyên.
  • Lao động thuộc địa.

Thuộc địa là nơi cung cấp tài nguyên, là nơi tiêu thụ hàng hóa cùng nguồn nhân công rẻ mạt, và là nơi để đế quốc trút các gánh nặng của "khủng hoảng thừa". Từ đó thôi thúc các nước đế quốc chạy đua xâm lược và tranh giành thuộc địa trên khắp thế giới.

Ở một số nước đế quốc, động cơ xây dựng đế quốc đạt mức cực đoan, như trường hợp Đế chế Đức III, dưới chính quyền Đức Quốc xã. Mục tiêu cơ bản là Không gian sinh tồn, xâm chiếm các quốc gia Tây châu Âu, sau đó là Nga, chiếm đất đai dân tộc khác, thuyên chuyển, cưỡng bức họ di cư đến những vùng đất xa xôi, nô lệ hóa hoặc diệt chủng.

"Thực tế là các bộ tộc, dân tộc và các quốc gia đã tạo nên những quan điểm cho một nền tảng chính trị cơ bản, giúp giải thích tại sao đế quốc không thể bị giới hạn ở một địa điểm hay thời đại cụ thể mà đã xuất hiện và tái lập qua hàng ngàn năm và trên tất cả các châu lục".[10]

Những đế quốc đầu tiên

Vào thế kỷ 24 trước Công nguyên, Đế quốc Akkad do vua Sargon Đại đế trị vì là một đế chế lớn đầu tiên trong lịch sử. Trong thế kỷ 15 trước Công nguyên, nước Ai Cập bước vào thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập, dưới sự thống trị của pharaon Thutmose III. Đế chế đầu tiên có uy lực sánh ngang với La Mã trong giai đoạn sau là Đế quốc Assyria (2000 - 612 TCN). Ngoài ra, gần Đế quốc Assyria, người Media cũng có một "đế quốc" và chính họ đã chinh phạt luôn cả kinh thành Assyria với sự hỗ trợ của Đế quốc Tân Babylon. Cận kề với Đế quốc Media có đế quốc Lydia,[11] với ông vua giàu có nổi tiếng Kroisos.[12] Nhưng rồi Media bị vua chư hầu xứ Ba Tư là Cyrus Đại Đế tiêu diệt[13], và lập nên Đế quốc Ba Tư của nhà Achaemenes (550-330 TCN). Dưới sự chỉ huy của vua Cyrus Đại Đế, quân Ba Tư chinh phạt được Lydia và Babylon.[14] Ba Tư là một đế quốc vinh quang, rộng lớn và đa văn hóa, thâu tóm cả Lưỡng Hà, Ai Cập, một phần của Hy Lạp, xứ Thrace, phần còn lại là Trung Đông, nhiều khu vực tại Trung ÁPakistan, cho đến khi đế quốc này bị Alexandros Đại Đế đánh đổ và thay thế bằng Đế quốc Macedonia, nhưng rồi đế quốc này cũng yểu mệnh như ông.

Sự mở rộng lãnh thổ của các đế quốc thuộc địa Châu Âu